Món ngon miền Tây sông nước An Giang

An Giang là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Là vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt…nên văn hóa ẩm thực An Giang rất đa dạng phong phú mỗi món ăn đều mang hương vị bản sắc riêng. Du lịch An Giang bạn không chỉ được tham quan những di tích văn hóa lịch sử hào hùng, cảnh đẹp của thiên nhiên núi rừng hoang sơ và hùng vĩ, mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản dân dã thơm ngon, độc đáo chỉ có riêng ở nơi đây.

Du lịch An Giang

Hãy cùng Checkin Travel những món ăn ngon đặc sản An Giang được nhiều du khách yêu thích.

Canh Chua Mùa Nước Nổi

Mùa nước nổi chỉ có ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó An Giang là nơi đầu tiên nhận con nước về và có mùa nước nổi kéo dài nên ẩm thực mùa nước nổi ở An Giang có phần nổi tiếng hơn các địa phương khác trong khu vực. Đối với người dân An Giang, mùa nước nổi được xem như một món quà ưu đãi mà tự nhiên ban tặng. Các sản vật sẵn có từ mùa nước nổi được dùng để chế biến món ăn mang đậm dấu ấn thời khẩn hoang: Dân dã, đơn giản, không cầu kỳ, giữ nguyên hương vị tự nhiên, bày biện trang trí món ăn cũng không phức tạp, qua đó cho chúng ta thấy được nét văn hóa đặc trưng của ẩm thực vùng đất An Giang hoang sơ nhưng đầy thi vị.

Món canh chua mùa nước nổi

Mùa này, cá nước ngọt đủ loại, bông súng, bông điên điển… là những thứ dễ tìm. Vào quán, hàng đầu trong thực đơn là cá hú, cá bông lau nấu canh chua, cá linh kho sả ớt, kho tiêu. Đặc biệt, cá linh có nhiều trong mùa lũ, rất hấp dẫn.

Nguồn nguyên liệu phong phú mùa lũ được chế biến thành nhiều món ăn mang phong cách ẩm thực riêng. Rất nhiều du khách đến An Giang, nhất thiết phải ăn cho bằng được canh chua. Canh được nấu từ me thật chua, nêm đường thật ngọt, dằn thêm muỗng nước mắm nhỉ để tăng sự đậm đà cho món ăn. Người ta cho nước canh chua vào lẩu, hoặc vào nồi chờ sôi lên, bỏ cá, sau đó cho bạc hà, đậu bắp, khóm, giá và một số loại rau mùi, như: quế, ngò gai, ngò om vào. Dù trưa nắng gắt hay chiều mưa gió, người ta vẫn ăn món canh chua ngon lành. Mùa này, trong danh mục rau còn có thêm bông súng, bông điên điển khiến nồi canh rất bắt mắt, mang dấu ấn mùa nước nổi.

Gỏi Sầu Đầu

Gỏi sầu đâu được biết đến là món rau ngon trong bữa cơm thường ngày của người Campuchia. Món gỏi này được du nhập vào Việt Nam thông qua các gia đình người Khmer sinh sống ven vùng biên giới ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Bạc Liệu… Tuy nhiên, nổi tiếng với món gỏi sầu đâu được nhiều du khách biết đến là tỉnh An Giang. Khách du lịch đến với An Giang nếu có dịp lưu trú ở nhà người dân sẽ được mời dùng thử món gỏi sầu đâu. Món gỏi sầu đâu được chế biến khá nhanh và đơn giản nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.

Gỏi Sầu Đầu

Nguyên liệu để làm món gỏi này gồm lá và hoa của cây sầu đâu, thịt ba rọi, khô cá sặc hoặc khô cá lóc, dưa leo, xoài sống, thơm (dứa), nước mắm, me vắt, tỏi, ớt… Người ta thường trụng lá và hoa sầu đâu vào nước sôi cho bớt vị đắng rồi để ráo nước. Khi trụng nên cho thêm một ít muối vào để lá được xanh và trông đẹp mắt. Khô cá sặc có thể nướng hoặc chiên, sau đó đem xé nhỏ, không lấy xương. Thịt ba rọi rửa thật sạch rồi đem luộc và thái mỏng vừa ăn. Dưa leo nên gọt vỏ và thái mỏng, thơm cắt hình tam giác nhỏ, xoài sống thì gọt vỏ và thái mỏng. Trộn đều tất cả hỗn hợp trên với nước mắm ớt pha chua ngọt cho vừa khẩu vị. Cuối cùng, rắc thêm một ít rau thơm, ngò rí, đậu phộng giã giập, thêm vài lát ớt vào đĩa gỏi cho có màu sắc hấp dẫn.

Gỏi sầu đâu không chỉ là đặc sản An Giang  nổi tiếng mà còn là một món ăn vị thuốc bổ ích. Theo tìm hiểu của Checkin Travel, các bộ phận trên cây sầu đâu từ vỏ, lá, quả và gỗ đều có chất đắng giúp chữa giun rất tốt. Ngoài ra, từ lâu cây sầu đâu đã được người Ấn Độ sử dụng làm thuốc chống viêm, kháng khuẩn, chữa sốt rét và nhiều bệnh khác. Riêng nước sầu đâu dùng uống có thể chữa các bệnh về răng miệng như viêm nha chu, viêm nướu, sâu răng, viêm khớp.

Bún Cá

Món bún là món ăn trứ danh của vùng đất An Giang. Món ăn này được bán ở nhiều nơi nhưng ngon nhất là ở Châu Đốc, Long Xuyên và Tân Châu. Người dân ở đây quen gọi bún cá là bún nước lèo. Mỗi nơi đều có vị bún cá đặc trưng, ở Long Xuyên vị bún nhạt và thơm mùi nghệ, ở Tân Châu và Châu Đốc bún cá có vị đậm đà hơn. 

Bún Cá An Giang

Món bún cá ngon nhất là khi được nấu bằng cá lóc (cá quả), người ta có thể thay thế bằng cá kèo. Nước dùng ngọt được ninh từ xương gà, rau giá ăn kèm với bún cá nước lèo rất đa dạng, đó có thể là rau muống bào, bắp chuối bào sợi, giá, rau răm và đặc biệt là bông điên điển. Bông điên điển chỉ có vào mùa nước nổi, khi ăn bún cá với bông điên điển, thực khách mới cảm nhận được hết vị ngon ngọt đặc biệt của món bún này.

Tung Lò Bò – Lạp Xưởng Bò

Văn hóa ẩm thực của người Chăm An Giang có nhiều nét riêng biệt hấp dẫn du khách. Người Chăm An Giang không ăn thịt heo nên sử dụng thịt bò, gà, dê, cá là chủ yếu. Trong các món ăn của người Chăm, hầu như món nào cũng sử dụng nước cốt dừa và liều lượng chỉ gia giảm tùy theo từng món ăn. Cà ri, cà púa hay cà rìng, cơm nị là món ăn truyền thống, đặc trưng trong những ngày lễ, tết của dân tộc mang lại cho người thưởng thức những nét hấp dẫn rất riêng.

Lạp Xưởng Bò – Tung Lò Bò

Tận dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên, người Khmer đã tạo nên một nền ẩm thực độc đáo và hấp dẫn. Tuy không cầu kỳ và bắt mắt trong phong cách trang trí nhưng văn hóa ẩm thực của người Khmer An Giang rất phong phú, đa dạng và mang bản sắc riêng, thể hiện được cách ứng xử linh hoạt của con người với thiên nhiên. Trong đó, có các món tiêu biểu như cốm dẹp, mắm bò hóc, canh sim lo… có hương vị đậm đà, đặc trưng, được các tộc người cộng cư ưa thích và dần trở thành những món ăn quen thuộc trong đời sống của người dân An Giang.

Bên cạnh đó, tung lò mò (lạp xưởng bò) là món ăn truyền thống nổi tiếng lâu đời của người Chăm. Tung lò mò được làm từ thịt bò xay trộn cùng cơm nguội và nhiều loại gia vị bí truyền. Đây là món ăn ngon, bổ dưỡng và thường có mặt trong mâm cơm tiếp đãi khách của người Chăm. Tung Lò Mò có vị chua và dai dai, đồng thời cũng có vị ngọt pha lẫn vị béo của mỡ bò. Tung Lò Mò ăn ngon nhất là khi nướng trên bếp than, ăn cùng với rau răm, tương ớt,…

Ở An Giang mùa nào đặc sản nấy, còn nhiều lắm những đặc sản mà chính du khách phải 1 lần đặt chân đến để trải nghiệm, khám phá và thưởng thức mới cảm nhận hết tất cả những hương vị của từng món ăn, đặc sản đặc trưng ở vùng Bảy Núi xứ sở của thốt nốt mà không nơi nào có thể có được. Chắc chắn, vừa thưởng ngoạn khung cảnh núi sông nước thơ mộng, vừa được thưởng thức các món ăn ngon sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời mà không nơi nào có được.

Add Comment