Checkin Travel

Nơi cần hộ chiếu mới được sang nhà hàng xóm

Đoạn đường hơn 500 m có tên Canusa Street trên bản đồ Vermont (Mỹ) còn người dân Quebec (Canada) gọi nó là Rue Canusa.

Khi còn là một đứa trẻ, Pat Boisvert chơi với cậu bạn thân nhất ở ngay nhà đối diện trên phố Canusa. “Chúng tôi cứ chạy qua chạy lại khoảng 50 lần một ngày. Nhưng giờ quy củ hơn một chút, tôi đoán mọi thứ phải khác đi thôi”, Boisvert nói.

70 năm sau, chuyện sang đường không còn dễ dàng. Boisvert sống trong cùng một ngôi nhà. Nhưng cuối dãy nhà, lính biên phòng dường như luôn quan sát nhất cử nhất động của những cư dân hai bên. Nếu muốn thăm nhà hàng xóm bên đường, họ vẫn cần đến hộ chiếu.

Biên giới Mỹ – Canada chạy giữa con phố ông Boisvert sống. Đường kẻ vàng giữa hai làn xe cộ chia đôi con phố, một nửa thuộc thành phố Stanstead, Quebec; nửa còn lại là Beebe Plain, một khu đô thị ở Vermont.

Boisvert, người sống bên lãnh thổ Mỹ, vẫn không quên thời ông sang đường chỉ cần vẫy tay chào lính biên phòng. Ông còn nhớ thuở có những bạn người Canada học chung trường.

Nhưng đặc biệt từ vụ khủng bố 11/9, an ninh biên giới được thắt chặt. “Đáng lẽ hai thị trấn phải trở thành một đại gia đình hạnh phúc – như nó đã từng luôn luôn như vậy”, Boisvert nuối tiếc.


Hai làn đường Canusa thuộc những quốc gia khác nhau. Ảnh: Washington Post

“Vỉa hè nơi tôi từng đi lại trên con phố này là đất Canada. Vì vậy tôi băng qua đường để lên vỉa hè, và đi ngược lại về bên này”, Boisvert nói. “Tôi chắc chắn họ luôn trông chừng để dám chắc tôi không nán lại bên phía Canada quá lâu, hay đại loại vậy. Nhưng tôi cũng chẳng buồn để ý tới họ đâu”.

Phố Canusa, ghép theo tên hai quốc gia nó nằm giữa, là một trong những đường biên giới kỳ lạ trong khu vực. Gần đó là thư viện Haskell Free Library, nơi kẹt giữa Mỹ và Canada. Bên trong thư viện này có một vạch kẻ đen trên sàn chia cắt bắc nam, cả người Mỹ và Canada đều có thể vào đây.


Một đường kẻ đen trong thư viện Haskell Free Library, đánh dấu đường phân cách Canada và Mỹ. Ảnh: AP

Tuy nhiên, lính biên phòng luôn thường trực để đảm bảo người dân không “vô tình” vượt biên trái phép, bởi đường phân cách mong manh này có thể bị lợi dụng. Năm 2017, một người đàn ông Canada bị dẫn độ sang Mỹ vì cố buôn lậu súng trong toilet của thư viện.

Phía cuối con phố Canusa là một ngôi nhà có cửa mở sang cả Mỹ lẫn Canada. Brian và Joan Dumoulin, chủ nhà, từng rao bán căn bất động sản hơn 650 m2 này với giá 109.000 USD vào năm 2017. Cặp vợ chồng mang hai quốc tịch này gặp không ít tình cảnh kỳ quặc khi sống trong một ngôi nhà có vị thế khác lạ.

Thường lính biên phòng từ cả hai quốc gia đều biết rõ nhà Dumoulin. Nhưng một lần, một sĩ quan biên phòng mới từ phía Canada nhìn thấy vợ chồng Brian cùng chị gái đứng trước cửa nhà – nơi họ tiến “5 m vào đất Mỹ”. Sĩ quan này yêu cầu cả gia đình báo cáo với trạm biên phòng Canada.

“Chỉ đơn giản là anh ấy không biết chúng tôi là ai. Thật kỳ quặc khi bạn không thể đi lối này hay lối kia quanh nhà mình, mà phải qua cửa khẩu để quay về”, Brian nói. Gia đình anh mất 45 phút để giải quyết, khi sĩ quan mới gọi cấp trên.

Cùng đứng trước cửa nhà, Brian Dumoulin lại ở đất Mỹ, còn vợ ông – bà Joan, đứng trên đất Canada. Giữa họ là một cột mốc nhỏ. Ảnh: AP

Bảo Ngọc (Theo CBC)

Exit mobile version