Mù Cang Chải được mệnh danh là nơi có địa hình trồng trọt đẹp nhất châu Á. Mù Cang Chải có gì đẹp? Ruộng bậc thang cuộn tròn như những dải ruy băng quấn quanh những ngọn đồi tạo nên một vẻ đẹp ngoạn mục thu hút các nhiếp ảnh gia và tất cả những ai đam mê “xê dịch”.
Mù Cang Chải là huyện vùng cao phía Tây của tỉnh Yên Bái, cách thủ đô Hà Nội hơn 300km về phía Tây Bắc. Vùng đất này nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao trên 2.000m so với mặt biển. Đến Mù Cang Chải, du khách có thể đi đường Quốc lộ 32 bằng hai hướng. Nếu từ Hà Nội, sẽ đi qua Sơn Tây, lên Văn Chấn, tiếp tục di chuyển qua Tú Lệ, đi tiếp 50km sẽ đến Mù Cang Chải. Từ Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải dài gần 100km, nhưng hơn 80km là đường đèo dốc tiến lên liên tục, chừng nào leo đến độ cao 1.750m (đèo Khau Phạ), sương mây mù mịt là sắp đến thị trấn Mù Cang Chải. Hướng thứ hai, du khách đi hết đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, lên Sa Pa và qua đèo Ô Quy Hồ, sau đó qua Tân Uyên và Than Uyên của Lai Châu để tới Mù Cang Chải.
Tại Mù Cang Chải mỗi năm chỉ làm một vụ lúa. Bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 6, người dân bắt đầu cầy ải, gieo mạ và cấy lúa. Lúc này bắt đầu vào mua mưa. Nước chảy theo độ dốc từ thửa ruộng bậc thang trên đến những thửa dưới, theo các rãnh đã xẻ từ trước. Khoảng thời gian này là “Mùa nước đổ” tại Mù Cang Chải.
Bắt đầu từ giữa tháng 8 đến hết tháng 10 hàng năm người dân khắp mọi miền tổ quốc đổ về Mù Cang Chải mùa lúa chín để được chiêm ngưỡng khung cảnh đẹp tuyệt vời của mảnh đất vùng cao. Đây là thời điểm lúa trên những ruộng bậc tháng tại Mù Cang Chải bắt đầu chín và thu hoạch. Du khách hay gọi thời gian này là “mùa vàng nơi rẻo cao Mù Cang Chải”
Danh sách 12 địa điểm nhất định phải checkin khi bạn đến với Mù Cang Chải:
Mục lục
1. Xã Tú Lệ
Tú Lệ là một thung lũng rộng gần 3.000ha thuộc huyện Văn Chấn, nằm dưới 3 dãy núi Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán. Nơi đây được biết đến với cảnh sắc Tây Bắc quyến rũ, đặc sản nếp dẻo thơm, suối nước khoáng nóng tự nhiên và nổi bật nhất có lẽ là những tập tục đầy thiêng liêng của đồng bào dân tộc người Thái.
Tú Lệ giữa mùa thu, lúa chín vàng ươm rạt rào như sóng núi. Mùa gặt náo nức rộn ràng, mùi cơm mới theo gió bảng lảng trên chái nhà… Tú Lệ có thể ví như một cô gái miền sơn cước vô cùng xinh đẹp. Không chỉ thu hút du khách bởi những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải tháng 9, Tú Lệ còn hấp dẫn du khách với những đặc sản như: Cốm, Xôi trắng, gạo séng cù, gạo nếp Tú Lệ …
2. Đèo Khau Phạ
Đèo Khau Phạ, nằm ở độ cao từ 1.200-2.100 m so với mực nước biển, là một trong những địa điểm ngắm cảnh lúa chín được dân phượt yêu thích. Đây là một trong tứ đại đỉnh đèo ở miền Bắc, nổi tiếng với những cung đường quanh co và dốc thuộc hàng bậc nhất Việt Nam.
Bắt đầu từ năm 2013, CLB dù lượn VIETWINGS Hà Nội khởi xướng đã khởi xướng Festival “Bay Trên Mùa Vàng” vào tháng 9 hàng năm. Để được tham gia “bay trên mùa vàng”, các du khách cần đăng ký trước với ban tổ chức để được sắp xếp phi công bay cùng trong khoảng thời gian từ 10 – 30 phút tùy điều kiện thời tiết. Từ đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng trọn vẹn hình ảnh tuyệt đẹp của ruộng bậc thang từ trên cao.
3. Bản Lìm Mông
Bản Lìm Mông, nằm bên Quốc lộ 32, thuộc xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Để đến với bản Lìm Mông, bạn có thể đi từ Hà Nội, theo đường Quốc lộ 32 tới Yên Bái, sau khi qua Tú Lệ khoảng 5km, tới chân đèo Khau Phạ, có một đường đèo rẽ phải, đó là đường đi vào bản Lìm Mông. Đường đèo khá dốc và vắt vẻo quanh sườn núi, bạn đi tiếp khoảng 3km sẽ đến bản Lìm Mông.
Tới bản Lìm Mông đồng nghĩa với việc du khách đã đến nơi tận cùng rồi, bởi từ đây trở đi sẽ không có đường dân sinh nữa, chỉ là những con đường đi nương, đi rừng mà thôi. Lìm Mông là bản của người Mông, của những trái tim tự do và đầy kiêu hãnh chỉ quen sống nơi núi cao, nơi giao thoa giữa trời và đất. Từ đỉnh Lìm Mông, nhìn về phía Cao Phạ nơi dừng chân của biết bao du khách, một cảm giác đầy mới lạ về những nơi tưởng đã quá thân quen hẳn sẽ khiến không ít người phải sững người trước bức tranh thiên nhiên kì vĩ. Bức tranh tuyệt mĩ ấy được tô điểm bởi những bậc thang loang loáng nước đan xen cùng màu mạ non được tạo nên bởi những bàn tay lao động ngày này qua tháng khác, năm nối năm cứ tích lũy, chắt lọc để tạo nên cuộc sống thanh bình và no ấm nơi vùng cao.
4. Xã La Pán Tẩn
La Pán Tẩn nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa vân tay của trời, La Pán Tẩn không hổ danh là một trong 3 địa phương của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, ruộng bậc thang – công trình kiến trúc nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo của đồng bào Mông sinh sống trên mảnh đất này đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng Di tích danh thắng cấp Quốc gia từ cuối năm 2007.
5. Đồi Mâm Xôi
Đồi mâm xôi ở xã La Pán Tẩn nổi tiếng là địa danh du lịch hấp dẫn của huyện Mù Cang Chải, Yên Bái bởi hình dạng độc đáo của chính thửa ruộng bậc thang. Đây cũng là nơi được các phượt thủ đánh giá là thửa ruộng bậc thang đẹp nhất vùng Tây Bắc.
Đế mùa lúa chín, nơi đây là điểm tập trung đông du khách nhất Mù Cang Chải. Mọi người cùng đến đây để checkin và chụp hình.
6 Cầu Ba Nhà và Thác Pú Nhu
Cách trung tâm huyện khoảng 10km, khu vực cầu Ba Nhà là điểm dừng chân luôn thu hút được đầy ắp các bạn trẻ tới đây săn ảnh. Các bạn có thể dừng ở đây để chụp ảnh “Thác Pú Nhu”, đi men theo con đường đất dốc ngược bên cạnh cầu để có những bức ảnh tuyệt đẹp.
Thác Pú Nhu được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Lào Cai, Sơn La đổ về. Thác có độ cao cột nước khoảng 20m được chia thành nhiều bậc. Vào những ngày nắng đẹp, nhìn từ dưới lên các bọt nước bốc hơi khiến cho ta thấy thác như được bao bọc bởi một chiếc khăn voan trắng. Nằm giữa hai vách núi đá cao thẳng đứng, thác Pú Nhu hiện ra như một bức tranh thủy mặc.
7. Xã Chế Cu Nha
Một xã của huyện Mù Cang Chải, nằm cách trung tâm huyện khoảng 7km về hướng Hà Nội, đường vào xã này khá dốc và khó đi, không phù hợp lắm với những bạn đi lần đầu.
8 Nhà Ngô
Ngôi nhà của một người dân ở bản Màng Mủ xã Mồ Dề, đường lên nằm ngay chỗ Nghĩa trang liệt sỹ Mù Cang Chải – gần đường lên rừng trúc.
9. Rừng Trúc
Rừng trúc Mù Cang Chải hay còn gọi là rừng trúc Háng Sung (rừng trúc Mồ Dề). Cách trung tâm Tt. Mù Cang Chải khoảng 2km đường chim bay còn đường xe ôm, xe máy là 3.5km. Đây là khu rừng trúc của người dân trồng. Đường lên rất dốc và cao, hiện tại chỉ có đường mòn quanh co nhỏ xóc.
Ngoài ra, bạn có thể đến rừng trúc Púng Luông (Ngã ba kim rẽ hướng Púng Luông) cách thị trấn Mù Cang Chải 20km. Rừng trúc Púng Luông dễ đi hơn do gần đường và có cầu thang tre dẫn lên đỉnh đồi tre trúc vầu ở bản Nả Háng Tủa Chử – xã Púng Luông.
10. Đồi Móng Ngựa
Một điểm checkin ruộng bậc thang lý tưởng nữa chính là đồi móng ngựa. Tuy nhiên lên đối móng ngựa sẽ khó đi hơn lên đồi mâm xôi, nhất là trong những ngày mưa. Ngọn đồi ở bản Sáng Nhù này hấp dẫn tín đồ xê dịch với những thửa ruộng bậc thang hình bán nguyệt đẹp như tranh vẽ.
11. Thác Mơ (Mù Cang Chải)
Thác Mơ nằm giữa hai ngọn đồi Nả Háng A và Nả Háng B thuộc địa phận xã Mồ Dề (Mù Căng Chải, Yên Bái).Trong hành trình chinh phục thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để bạn dừng chân, thưởng ngoạn. Từ quốc lộ 32, đi bộ khoảng 30′ vào đến chân thác, tiếp tục từ đây bạn sẽ tới điểm thác một tầng nơi dòng nước chảy theo hình xoắn ốc. Để đến được điểm thác 4 tầng tiếp theo bạn cần tiếp tục đi bộ ngược dòng thác, đây cũng là nơi ấn tượng nhất để bạn có thể lưu lại những hình ảnh tuyệt đẹp về Thác Mơ.
12. Bản Thái (Mù Cang Chải)
Gọi là bản Thái bởi vì ở đây là địa bàn người Thái sinh sống, với những nếp nhà sàn và vẫn giữ nguyên những nét đẹp văn hóa của người Thái. Một ngôi làng nằm giữa thung lũng, lưng tựa vào núi, quanh năm bốn mùa đều bình yên. Để đến được bản Thái các bạn có thể đi bằng ô tô hoặc xe máy đều được. Từ trung tâm thành phố Hà Nội bạn đi theo đường quốc lộ 32 đến chiếc cầu ở ngay trung tâm huyện (hướng đi Chế Tạo) rồi rẽ trái đi khoảng 1km sẽ tới bản Thái.
Tham khảo:
DANH SÁCH HOMESTAY TẠI MÙ CANG CHẢI
LỊCH TRÌNH CHI TIẾT DU LỊCH MÙ CANG CHẢI
DU LỊCH MÙ CANG CHẢI MÙA LÚA CHÍN TRỌN GÓI CHỈ 1.620.000VNĐ/NGƯỜI