Khi sắc đào đã thắm lại và trời đất quyện chặt vào nhau trong những giọt sương long lanh đọng lại trên cành lá, thì khắp các bản làng của bà con H”Mông, cái sắc xuân cũng đượm lại ngọt lành hơn bao giờ hết. Trời đất giao hòa, tiết xuân mát mẻ là lúc người ta nô nức gửi tới nhau những ước nguyện, hi vọng vào một năm mới ấm no, hạnh phúc. Lễ gội Gầu Tào của bà con H’Mông là một lễ hội đón xuân với mong ước viên mãn như vậy. Là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong tín ngưỡng của người H’Mông, hôm nay hãy cùng theo chân Checkin Travel để khám phá lễ hội độc đáo này bạn nhé!
Mục lục
Lễ hội truyền thống của bà con H’Mông tại Lào Cai
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội truyền thống của bà con dân tộc H’Mông thuộc các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và thị trấn Phong Hải, tỉnh Lào Cai. Cho tới tận ngày nay, lễ hội vẫn được gìn giữ trọn vẹn với những giá trị văn hóa đặc sắc.
Gầu Tào trong tiếng Mông có nghĩa là “địa điểm chơi”. Trước đây, trong tín ngưỡng của người H’Mông, các gia đình kém may mắn, có người đau ốm, sức khỏe không tốt hoặc trắc trở trong chuyện con cái sẽ lên đồi Gầu Tào để cúng xin thần linh sức khỏe, thuận lợi trong làm ăn và xin các đấng trên ban cho con cho cháu. Khi các ước nguyện trở thành hiện thực, họ sẽ làm lễ tạ ơn thần linh. Sau này, lễ hội Gầu Tào dẫn trở thành nơi mà mọi người gặp gỡ, vui chơi trong ngày Tết, cúng tạ trời đất, thể hiện lòng biết ơn với thần linh, cũng là dịp để bà con, con cháu làm ăn xa trở về tụ họp với gia đình, quê hương.
Phong tục và nét đẹp văn hóa được gìn giữ trọn vẹn
Cho đến hôm nay, bà con H’Mông vẫn giữ nguyên trọn vẹn các giá trị văn hóa trong lễ hội Gầu Tào, đó là lí do du khách luôn tìm đến đây để được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của lễ hội.
Lễ hội được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm. Theo tập quán, 3 gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau sẽ cùng tổ chức. Người ta dựng lên 3 cây nêu trong 3 năm liền, 3 gia chủ sẽ lần lượt đem 3 cây nêu và các vật dụng trên đó về để lấy may mắn. Địa điểm làm lễ Gầu Tào là một ngọn đồi thấp, bao quanh là các ngọn đồi cao hơn tạo thành một khoảng trũng ở giữa, bằng phẳng và hẹp. Đồi Gầu Tào hướng về hướng Đông với ý nguyện húng trọn ánh nắng tinh túy từ đất trời, các ngọn đồi cao hơn là mong ước sự vượt trội của thế hệ sau, con hơn cha và ngày càng phát triển.
Lễ Gầu Tào -hơi thở của văn hóa lâu đời
Cho tới tận ngay nay, phần Lễ của lễ hội Gầu Tào vẫn là các nghi thức được thực hiện đầy đủ, không chỉ mang tín ngưỡng của bà con H’Mông vào đất trời, thần linh mà còn là những phong tục độc đáo thu hút du khách đến với mảnh đất này.
Hai nghi lễ chính trong lễ Gầu Tào là chặt tre và dựng nêu. Ngày chặt tre để dựng nêu, chủ lễ và các người tới giúp tiến hành lễ cúng. Gia chủ mời chủ lễ uống rượu và sau hai ly rượu, chủ lễ bắt đầu hát bài “sây giể” (xem bói) về lý do làm lễ Gầu Tào. Sau đó, chủ lễ xòe ô, hát bài “sáy dìn sê” (đi tìm cây nêu) và dẫn đoàn người đến chỗ cây tre đã chọn, để chặt tre. Cây tre làm nêu phải thẳng, đều dóng, cao từ 9 – 12m, không sâu bệnh, không cụt ngọn, không ra hoa, ngọn cây hướng về phía mặt trời mọc. Nghi lễ chặt tre diễn ra ngay tại gốc tre, đi kèm với nhiều phong tục thú vị khác.
Lễ hội Gầu Tào được tiếp tục với nghi lễ dựng nêu. Sau khi dựng nêu, lễ cúng bên cây nêu được diễn ra ngay buổi sáng hôm đó với gà, rượu và cơm. Chủ lễ thắp hương, đốt tiền mã, rồi đi ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu, hát bài “Tịnh chay” (hẹn ngày) cúng báo thần linh biết việc gia đình dựng nêu tổ chức lễ tạ ơn (như đã hứa), rồi mọi người hưởng lộc ngay dưới chân cây nêu.
Hội Gầu Tào -ngày hội đón xuân rộn ràng
Ngày chính hội của lễ hội Gầu Tào được tổ chức từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, tùy theo tuổi của gia chủ hợp với ngày nào. Ngay sau khi cúng bên cây nêu, phần hội chính thức được bắt đầu.
Nghi thức hát mở màn lễ hội được thực hiện bởi một người thạo hát nhưng phải có gia đình khỏe mạnh, kinh tế khá giả. Sau đó, mọi người dự hội đều có thể vào hát, trình diễn và thưởng thức các trò chơi, múa khèn, múa võ, múa gậy sinh tiền, hát hội Chù Gầu Tào… và đều được chủ lễ mời rượu. Cuộc vui kéo dài đến tối với các cuộc hát đối chủ – khách, nam – nữ. Khách phương xa có thể ngủ lại tại nhà của gia chủ để những ngày sau tiếp tục cuộc vui. Lễ hội rộn ràng và thu hút rất nhiều khách du lịch hàng năm.
Kéo dài 3 ngày, lễ hội Gầu Tào là lễ hội quan trọng nhất, cũng là lễ hội có quy mô lớn nhất trong đời sống tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của người H’Mông. Sau một thời gian mai một, ngày nay, lễ hội Gầu Tao được người dân cũng như chính quyền tổ chức rộn ràng và ngày càng phát triển, là hoạt động văn hóa sôi nổi, thu hút rất nhiều du khách của tỉnh Lào Cai. Cùng cập những lễ hội độc đáo nhất tại website của Checkin Travel tại đây bạn nhé!