Là một trong những thành phố có sự giao lưu rõ nét về văn hóa các vùng miền thế nên những món ăn đặc sản Sài Gòn từ đó cũng rất ấn tượng. Dù không có một món “của riêng” nào như Hà Nội, Đà Nẵng nhưng ẩm thực Sài Gòn luôn biết cách níu chân du khách bởi những món ăn đường phố dân dã, ăn một lần nhớ nhung một đời.
Mục lục
1. Gỏi cuốn Sài Gòn.
Năm 2011, trang du lịch CNN của Mỹ đã xếp hạng gỏi cuốn đứng vị trí 30 trong Top 50 món ăn ngon nhất thế giới. Món ăn này làm cho những người không thích ăn rau cũng phải nghiền ăn bởi sự kết hợp hài hòa giữa các loại rau xanh cùng thịt chân giò mềm, ngọt chấm với nước mắm chua chua, cay cay, ngọt ngọt.
2. Chuối nếp nướng Sài Gòn
Chuối nếp nướng không chỉ là món ăn vặt yêu thích ở Sài Gòn, ngay khi món này ra Hà Nội hay sang Singapore cũng đều gây tiếng vang lớn. Phần vỏ nếp dẻo thơm, quyện với nhân chuối, thêm cốt dừa ngọt, lạc rang bùi bùi.
3. Bánh tráng trộn.
Bánh tráng trộn Sài Gòn được biết đến là món ăn vặt, làm từ bánh tráng phơi sương, cắt từng sợi nhỏ. Khi ăn sẽ trộn cùng với xoài xanh bào sợi, rau răm cắt nhỏ và rắc thêm chút muốn tôm Tây Ninh, vắt một chút nước tắc. Thêm một chút mỡ hành phi với đậu phộng và chút tép rang cho hương vị đậm đà hơn. Ngoài ra thì món này cũng sẽ được ăn cùng trứng cút luộc và vài sợi khô bò.
4. Xôi mặn Sài Gòn
Đặc sản xôi mặn là món ăn dân dã, quen thuộc vào mỗi bữa sáng hay những bữa ăn khuya của nhiều công nhân Sài Gòn. Xôi mặn được nấu bởi xôi dẻo thơm ăn cùng với nguyên liệu khác nhau như: lạp xưởng, chà bông, đậu phộng, hành phi, mỡ hành,…
5. Bột chiên.
Món bột chiên có ở Sài Gòn từ khi người Hoa di cư vào miền Nam Việt Nam. Thông thường, người dân ở đây sẽ dùng khoai môn xắt vuông, trộn qua với nước tương và chiên vàng. Sau đó, đập trưng vào, thêm chút hành lá. Mình thấy càng cho nhiều hành lá ăn càng ngon. Vị béo của bột khoai môn, bùi bùi của trứng và chua chua ngọt ngọt của nước tương sẽ khiến bạn “ngã gục” và nghiền luôn món ăn này đấy!
6. Gỏi khô bò Sài Gòn
Ở Sài Gòn cứ buồn miệng, muốn ăn gì đó là người ta lại nhớ đến gỏi khô bò. Gỏi khô bò có vị chua chua của nước mắm, vị béo bùi của gan, đu đủ dai giòn. Ăn kèm với bánh phồng tôm mằn mặn và rau răm, thêm tương ớt cay nồng sẽ là một món ăn vặt mà bạn không thể nào dừng đũa.
7. Bánh mì phá lấu
Có 2 loại bánh mì phá lấu cho bạn thưởng thức: là phá lấu có nước chấm kèm bánh mì và phá lấu khô kẹp vào bánh mì.
Bạn có thể lựa chọn nhiều loại phá lấu khác nhau để kẹp vào bánh mì như: phá lấu gan, phá lấu lưỡi, phá lấu thịt đầu, trứng cút phá lấu, phá lấu ruột vịt, mề vịt… Thưởng thức một ổ bánh mì với những miếng phá lấu ngon, giòn sần sật và đậm vị thì còn gì bằng.
8. Phá Lấu
Nhiều người dân Sài Gòn coi món Phá Lấu như một ăn đường phố quen thuộc Sài Gòn. Món phá lấu gắn liền với nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, giới trẻ,… Món phá lấu được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau, như; tim, phổi, lòng, lưỡi,… của con heo. Đặc sản phá lấu Sài Gòn thơm ngào ngạt mùi nước cốt dừa trên các gánh hàng rong, vị cay xé lưỡi kích thích giác quan.
9. Hủ tiếu Nam Vang.
Hủ tiếu Nam Vang là món hủ tiếu do người Việt Nam chế biến thêm tôm, cá và được bán đầu tiên tại Nam Vang. Khác với hủ tiếu truyền thống chỉ dùng xương thịt, nước dùng hủ tiếu Nam Vang còn có thịt bằm nhỏ. Bên cạnh đó, hủ tiếu Nam Vang có nguyên liệu chính là hủ tiếu dai, lòng heo nấu cùng thêm chút giá, hẹ, thịt bằm. Đây là một trong các món ăn ngon ở Sài Gòn rất phổ biến.
10. Cơm Tấm Sài Gòn.
Đến Sài Gòn chỉ cần hỏi người dân nơi đây món đặc sản nào nên ăn đầu tiên thì câu trả lời sẽ là “Cơm Tấm”. Nó là một trong những món ăn sáng được ưa chuộng nhất của người Sài Gòn. Tuy nhiên, ngày nay cơm tấm như là món ăn quen thuộc cả 3 bữa sáng, trưa, chiều của người Sài Gòn.
Điểm đặc biệt ở cơm tấm là gạo được sử dụng để nấu là loại gạo tấm, hạt gạo bị bể. Một đĩa cơm tấm nổi tiếng không chỉ ngon mà sau nó là một câu chuyện thời đói kém, túng khổ của người Việt Nam thời xưa. Chính vì vậy, đài truyền hình EBS Hàn Quốc đã có riêng một clip quay về món ăn ngon này ở Sài Gòn.
Nếu bạn chưa có dịp đến TP. Hồ Chí Minh để thưởng thức món Cơm Tấm Sài Gòn ngon này thì bạn vẫn có thể ăn cơm tấm Sài Gòn ở Hà Nội, như: cơm tấm Sài Gòn phố cổ, cơm tấm Sài Gòn Mỹ Đình,…
Ngoài khám phá ẩm thực Sài Gòn bạn cũng đừng quên những địa điểm du lịch rất tuyệt vời nơi đây như: Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất), Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Địa đạo Củ Chi, bảo tàng lịch sử Việt Nam,… Đây là những nơi ghi đậm dấu ấn của người Sài Gòn xưa và nay.