Không quá phong phú và cầu kỳ nhưng các món ăn ở Điện Biên với vị ngon lạ miệng độc đáo mang đậm hương sắc của rừng Tây Bắc – có một không hai sẽ khiến du khách đến từ đâu cũng phải hài lòng. Vậy Điện Biên có đặc sản gì? Mời các bạn tham khảo những đặc sản Điện Biên cùng Checkin trong bài viết sau.
Mục lục
Cá nướng (Pa Pỉnh Tộp)
Pa Pỉnh Tộp hay món cá nướng Điện Biên cũng là một loại đặc sản nổi tiếng bậc nhất Điện Biên cũng như các tỉnh miền núi Tây Bắc. Nguyên liệu chính của món “pa pỉnh tộp” là cá suối và các loại gia vị. Món ăn này đặc biệt cả từ cách chế biến cho tới cách kết hợp các loại gia vị. Những con cá chép, trôi, trắm cân nặng hơn 1kg một chút sẽ được người dân nơi đây xử lý tẩm ướp với nhiều loại gia vị khác nhau. Sau đó nướng trên than củi liu riu, khi gần chín, mỡ cá rỏ xuống củi, nổ lách tách, mỡ cá béo ngậy quyện với mùi gia vị thơm nức mũi.
Thịt gà đen Tủa Chùa
Thêm một món ngon ở Điện Biên là gà đen Tủa Chùa mà du khách đến Điện Biên tham quan đều muốn một lần được ăn thử. Gà đen Tủa Chùa có màu đen toàn thân kể cả thịt lẫn nội tạng trông có vẻ không được bắt mắt cho lắm nhưng lại rất tốt cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người già bởi trong thịt gà đen có glutamic và sắt lớn gấp đôi những loại gà khác.
Xôi nếp nương Điện Biên
Xôi nếp nương Điện Biên được làm từ những hạt gạo nếp dẻo thơm trồng trên nương và sau hai lần đồ với chõ gỗ riêng của người dân tộc nơi đây thì mới ăn được. Đây là món ăn phổ biến của người dân Điện Biên kể cả trong ngày thường và trong các ngày lễ.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là một những món ăn đặc trưng Điện Biên của đồng bào dân tộc nơi đây. Để làm món thịt trâu ngon, người ta phải lọc cẩn thận hết gân, lọc sạch bạc nhạc, sau đó thái miếng dọc thớ rồi ướp với hỗn hợp gia vị gồm sả, gừng, tỏi, ớt khô băm nhỏ, mắc khén giã nát rồi để khoảng 2-3 tiếng, sau đó lấy que xiên và sấy trên than củi, để xa cho thịt chín từ từ, chín đều.
Thịt được sấy cho đến khi vừa chín để không làm mất vị ngọt của thịt. Khi mua về làm quà, bạn nhớ dặn người thân cho vào nồi hấp lại khoảng 30 phút, hoặc quay lò vi sóng. Vị ngọt của thịt trâu đượm trong sự đậm đà của các gia vị tạo nên sức hấp dẫn cho đặc sản vùng cao.
Gạo tám Điện Biên
Gạo Điện Biên nơi Mường Thanh mang vị thơm ngon khác lạ. Không biết có phải do rừng, do đất, do nước sông Nậm ngấm vào hay không mà gạo tám lại ngon đến thế.Gạo tám Điện Biên nhìn vào là thấy khác, đều, căng bóng, hạt nhỏ, màu đục chứ không trắng như gạo tám thường. Chưa cần nấu thành cơm đã thấy mùi vướng vất.
Cơm gạo Điện Biên dẻo như cơm nếp, thơm thoang thoảng, khi nhai có vị đậm… Gạo tám vừa thơm vừa dẻo nên đồng bào thường dùng nấu cơm lam hay làm khẩu cắm (như đồ xôi với lá cẩm, khiến vị xôi ngậy, dẻo thơm, ngon miệng), khẩu háng (đồ thóc rồi đem phơi khô, xát vỏ rồi đồ chín), khẩu papa (tựa như dưới xuôi làm bánh nếp). Chắc chắn đây sẽ là một món quen thuộc và cũng rất đặc biệt với hương vị riêng.
Bánh dày Điện Biên
Bánh dày – đặc sản Điện Biên – là một loại bánh không thể thiếu trong trong ngày tết của người Mông.
Cũng từ nếp nương, các công đoạn làm bánh yêu cầu phải làm thủ công nên rất mất thời gian. Nếp sau khi đồ là hương tỏa khắp buôn bản. Sau đó, phải dùng tay giã nhuyễn rồi mới gói bằng lá dong rừng.
Bánh dày có thể để được rất lâu, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh đầu xuân. Bánh dày này có thể ăn cùng với chả, giò, hay chỉ nướng trên than hồng hoặc chấm với chút mật ong rừng đều mang vị khó quên.
Măng khô
Măng khô rừng Điện Biên ngon nói chung là loại măng có màu vàng hơi nâu, còn lưu giữ mùi hương đặc trưng là măng mới. Măng khô chọn măng búp vàng đều không có xơ là măng non. Măng khô thường có 4 loại: măng trúc, măng nứa, măng vầu, măng lưỡi lợn.
Măng trúc nhỏ và nhọn đầu ăn giòn, ngọt. Măng nứa và măng vầu mềm hơn. Ba loại măng này thường được dùng để xào hoặc nấu canh.
Măng được phơi nắng khô và không xử lý qua hóa chất vì vậy măng giữ được mùi thơm tự nhiên và màu sắc đặc trưng, ăn rất giòn và ngon.
Rượu Mông Pê Tủa Chùa
“Mông pê”, dịch ra tiếng phổ thông là người Mông ta, rượu Mông Pê là rượu của người Mông ta. Tuy mang cái tên như vậy song rượu Mông pê chỉ do đồng bào Mông Tủa Chùa sản xuất và chỉ có ở Tủa Chùa mới nấu được thứ rượu này.
Rượu Mông pê được nấu từ những hạt ngô nếp đầu mùa hạt đều tăm tắp, điều đáng nói là khi nấu cơm ngô không theo cách thông thường mà sử dụng phương pháp hấp thủy, thời gian hấp khoảng 5 đến 6 giờ trên bếp củi, khi hạt ngô nở người ta tãi ra trên lá hoặc nong, nia chờ nguội mới rắc men.
Men được làm từ loại thảo dược của núi rừng, có vị phòng chống lạnh, trừ cảm, có vị làm cho lưu thông khí huyết, giảm đau nhức khớp, có vị làm cho có uống bao nhiêu cũng chẳng đau đầu.
Sâu Chít Điện Biên
Sâu chít Điện Biên không chỉ dùng để ngâm rượu mà còn chế biến được rất nhiều món ăn thơm ngon bổ dưỡng mà bạn nên thử một lần trong đời. Bạn có thể nếm các món ăn này tại các vùng Tây Bắc mà mình đi qua, cũng có thể làm các món ăn sâu chít Điện Biên do tự tay mình chế biến.
Xôi Chim Mường Thanh
Khi đến với Điện Biên, hãy thưởng thức món xôi chim Mường Thanh, chắc chắn rằng bạn sẽ không thể quên được, đây chính là món ăn truyền thống trong dịp lễ, tết của người dân nơi đây.
Xôi chim là món ăn rất dân dã. Trước đây, người ta hay nấu xôi chim để tẩm bổ cho những ngày gặt hái mệt nhọc. Loại chim được sử dụng để nấu xôi là chim ngói bởi vào mùa gặt cũng chính là mùa chim ngói, hơn thế nữa, chim ngói nhiều thịt, thịt vừa thơm lại vừa chắc, ăn ngon không thể tả.
Canh Bon
Nghe đến tên gọi thôi cũng thấy kỳ lạ rồi đúng không các bạn, bởi vì món canh này chỉ có ở Điện Biên mà thôi đây là món ăn dân dã của đồng bào Thái. Món canh Bon được chế biến từ nhiều nguyên liệu trong đó có da trâu hoặc bò, dọc bon ngọt, cà dại cùng các loại rau thơm, gia vị. Qua bàn tay khéo léo người dân đã tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn bởi sự thơm ngon giòn sật của da trâu quyện với vị hơi đắng của cà, thơm của mắc khén, ấm nóng của sả.
Vịt Om Hoa Chuối Điện Biên
Vịt om hoa chuối là một món ăn quen thuộc với người dân bản địa. Đến Điện Biên, Vịt om hoa chuối là một món ăn chắc chắn sẽ có trên mâm cơm đãi khách của mỗi gia đình. Chính sự khéo léo, chính sự đảm đang của người phụ nữ Thái khiến món ăn này lại càng trở nên đặc biệt hơn.
Phải tự mình thưởng thức bữa cơm của người dân nơi đây mới thấy hết cái đảm đang, cái sáng tạo của người phụ nữ dân tộc vùng cao. Không phải là một thứ gì quá cao sang nhưng lại bình dị đến lạ thường; đưa người ta từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Dù là những nguyên liệu hết sức dân dã, nhưng qua bàn tay của những người phụ nữ ấy lại mang theo một dấu ấn rất riêng biệt, rất nổi bật của người dân vùng Điện Biên vùng Tây Bắc.
Đặc sản làm quà của Điện Biên để thưởng thức và mang về nhà làm quà tuy không quá phong phú nhưng nó lại mang những nét riêng cực kỳ đặc trưng của vùng đất này. Cho nên bạn đừng quên chọn những quà phù hợp mang về cho người thân cùng thưởng thức và để hiểu hơn về vùng đất Điện Biên nhé!