Mù Cang Chải là điểm dừng chân lý thú cho những ai yêu sự bình yên, hoang sơ, huyền ảo với những cánh đồng lúa vàng; những thềm đá nhấp nhô; những dãy núi hùng vĩ; những cung đường ngoằn nghèo, đầy sỏi đá, gập ghềnh, nhấp nhô. Đến Mù Cang Chải, bạn không chỉ được dịp tham quan chợ phiên, khám phá nét sinh hoạt cộng đồng vùng cao mà còn được thưởng thức những món ngon nổi tiếng, giữ chân du khách nơi đây. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 5 đặc sản nơi đây nhé!
Mục lục
1. Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là đặc sản của đồng bào dân tộc Thái, được làm từ thịt bắp của trâu nhà thả rông ở các sườn núi. Món thịt trâu gác bếp Mù Cang Chải được tẩm ướp, hun khói trong vài tháng và thường được buộc lạt treo trên gác bếp.
Thịt trâu gác bếp – đặc sản núi rừng Tây Bắc (Ảnh: Sưu tầm)
Trước khi thưởng thức, từng miếng thịt trâu ấy sẽ được vùi trong bếp tro hoặc nướng trên bếp than. Với thịt trâu gác bếp, khi ăn du khách sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm quyện vào hương vị các loại gia vị từ lá rừng.
2. Bánh trưng đen
Bánh chưng đen của đồng bào người Thái ở mảnh đất Yên Bái cũng là một trong những món ngon ngày xuân và cũng có khi xuất hiện trong những phiên chợ vùng cao. Những chiếc bánh chưng đen ấy mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên, với thiên nhiên đất trời.
Bánh chưng đen – đặc sản nức tiếng Mường Lò (Mù Cang Chải) – Ảnh: Sưu tầm
Bánh chưng đen được gói thủ công bằng lá dong và có màu đen độc đáo được tạo thành từ thân cây núc nác hoặc hoa cây vừng đen giã mịn trộn với gạo nếp Tú Lệ. Cùng với nguyên liệu thịt lợn ba chỉ và một số gia vị đặc trưng ở miền núi, bánh chưng đen hẳn sẽ mang đến cho bạn những hương vị mới lạ khi có dịp thưởng thức.
Nguyên liệu chủ yếu làm bánh chưng đen (Ảnh: Sưu tầm)
Vị dẻo thơm của gạo lẫn với vị ngọt, béo của thịt lợn, vị bùi của nhân đậu xanh và vị lạ của cây rừng hẳn sẽ là một món đặc sản khiến du khách không thể chối từ trong những dịp du lịch Mù Cang Chải đâu đấy!
3. Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là một trong những món đặc sản quen thuộc ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Trong dịp lang thang chợ phiên Mù Cang Chải, du khách không chỉ dịp ngắm nhìn những sắc màu độc đáo của món xôi ngũ sắc mà còn được thưởng thức hương vị ngon tuyệt của món đặc sản này đấy!
Nguyên liệu chính làm xôi ngũ sắc ở Mù Cang Chải đó là gạo nếp Tú Lệ và các loại củ quả, lá rừng dùng để nhuộm màu tự nhiên. Gọi là xôi ngũ sắc vì một đĩa xôi gồm rất nhiều màu, thông thường là năm: màu xanh là màu rừng cây, màu vàng là màu của những mong ước, màu đỏ (hoặc cam) là màu của khát vọng, màu tím đại diện cho sự thủy chung và màu trắng gợi nhắc về tình yêu trong trắng. Các màu xôi mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, năm màu xôi tượng trưng cho ngũ hành trong trời đất: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Xôi ngũ sắc – lạ mắt, độc đáo và thơm lừng (Ảnh: Sưu tầm)
Không chỉ đẹp và mang ý nghĩa tâm linh, xôi ngũ sắc còn rất tốt cho sức khỏe người ăn khi trong mỗi loại lá cây, củ quả tạo nên màu sắc của đĩa xôi 5 màu đều là những loại cây dược liệu mang nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tùy thuộc vào công thức pha chế của từng vùng, từng dân tộc người ra sẽ sử dụng các loại dược liệu khác nhau, cho ra 5 màu sắc khác nhau và ý nghĩa biểu trưng riêng.
Để 1 đĩa xôi có đủ 5 màu sắc bắt mắt người ta phải chế biến rất kỳ công. Du lịch Khát Vọng Việt chia sẻ đến bạn cách nấu xôi ngũ sắc của của người Tày.Bước đầu tiên là lựa chọn nguyên liệu nấu xôi: các loại lá cây rừng để nhuộm màu và gạo nếp thơm dẻo, hạt gạo phải đều, không lẫn tẻ.
4. Cốm Tú Lệ
Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) từ lâu đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong. Thứ nếp này khi được đồ thành xôi thì có vị dẻo thơm đặc biệt, còn khi chế biến thành cốm thì lại có thêm hương vị thật ngọt ngào, thanh mát.
Người dân tộc Thái ở Yên Bái vẫn làm cốm theo cách truyền thống. Lúa được gặt vào sáng sớm, sau đó đem về ngâm trong nước lạnh để loại bỏ những hạt lép. Lúa làm cốm phải đang trong thời kỳ uốn câu, đầu hạt vẫn còn chút sữa, vỏ hơi lam vàng và hạt gạo chưa chín hết. Trong thôn bản, tiếng chày cối nhịp nhàng đang chuẩn bị cho ra lò những mẻ cốm Tú Lệ nức tiếng gần xa.
Cốm Tú Lệ thì lại có thêm hương vị thật ngọt ngào, thanh mát. (Ảnh: Sưu tầm)
Người dân Tú Lệ không chỉ coi món cốm như đặc sản, mà còn là hiện thân của văn hóa. Cốm không chỉ có mặt trong những bữa ăn, trong nếp sinh hoạt hàng ngày mà còn xuất hiện trong các hoạt động văn hóa tín ngưỡng quan trọng, cốm được dâng lên tổ tiên để tri ân công lao khai phá mảnh đất Tú Lệ. Các già làng coi cốm như một giá trị truyền thống thiêng liêng, người trẻ lưu giữ cốm như niềm tự hào về mảnh đất thần tiên Tây Bắc, còn lũ trẻ sẽ vẫn tiếp tục lớn lên giữa hương cốm dịu thơm, trong trẻo của vùng Tú Lệ.
5. Cá nướng pa pỉnh tộp
Pa Pỉnh Tộp là món ăn đặc sản của người Thái chủ yếu là ở vùng Lai Châu Tây Bắc. Pa theo tiếng Thái có nghĩa là “cá suối”; Pa Pỉnh Tộp có nghĩa là cá gập nướng, thường được làm từ những con cá suối, cá chép, cá trôi, cá trắm… sống ở vùng suối núi. Sở dĩ có tên gọi là cá gập nướng là dựa vào hình dáng của con cá khi đem đi nướng, người thái mổ sạch, tẩm ướp rồi gập đôi con cá để nướng nên bà con dân tộc mới đặt tên như vậy.
Pa pỉnh tộp chín vàng, thơm lừng (Ảnh: sưu tầm)
Món cá này chỉ dùng cá chép suối, được ướp cùng gia vị quen thuộc trong ẩm thực Thái như quả mắc khén, gừng, tỏi, rau thơm, lá húng, …Để có món pa pỉnh tộp thơm ngon, cá sẽ được kẹp que nứa hoặc tre tươi rồi nướng bằng than củi thôi. Cá Nướng là phải nướng bằng than củi mới ngon, nhiệt không quá cao, cá chín từ từ, vàng đều, cá suối mùa này béo, nướng 1 lát là nước & mỡ cá tiết ra, rỏ xuống than củi xèo xèo. Khi cá chín vàng, bạn sẽ được ngửi vị thơm lừng lan tỏa khắp nơi và khi ăn, bạn sẽ lại được cảm nhận vị ngọt thơm của thịt cá quyện cùng các loại gia vị nồng nàn, đậm đà khiến bạn ngất ngây.
Trong dịp du lịch Mù Cang Chải và những mảnh đất Tây Bắc, du khách đừng quên thưởng thức món pa pỉnh tộp độc đáo hương vị của riêng vùng rẻo cao nơi đây nhé!
Tổng hợp: Checkin Travel